Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Bài thuốc trị cảm cúm

Cảm cúm theo y học hiện đại là do virut, bệnh dễ gây biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa... và dễ lây lan trong cộng đồng. Lúc đầu người bệnh có biểu hiện: nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi, khó chịu. Bệnh nặng có biểu hiện rùng mình, gai rét, sợ lạnh, sợ gió, sốt cao (39-40oC), đầu đau, mắt đỏ, ra mồ hôi, đau nhức các khớp xương (nhất là lưng và xương sống), có khi ù tai, mắt nhức, ho, khản tiếng kèm đau họng. Phương pháp chữa là phát tán phong nhiệt (dùng thuốc tân lương giải biểu). Dùng một trong các bài sau:

Bài 1. Ngân kiều tán: kim ngân hoa 40g, liên kiều 40g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, lá tre 4g, cam thảo 20g, đậu xị 20g, kinh giới hoa 16g, ngưu bàng tử 24g. Các vị tán bột, lấy 24g bột sắc uống. Ngày có thể uống 3 - 4 lần tùy theo bệnh nặng nhẹ

Bài 2. Thanh ngân thang gia vị: thanh hao (cho sau) 6g, ngân sài hồ 12g, cát cánh 12g, hoàng cầm 12g, liên kiều 12g, kim ngân hoa 12g, bản lam căn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3. Tang cúc ẩm: lá dâu 10g, cúc hoa 4g, liên kiều 6g, bạc hà 4g, hạnh nhân 8g, cát cánh 8g, cam thảo 4g, lô căn 6g. Sắc uống. Ngày có thể uống 2 thang.

Bài 4. Bột thanh hao địa liền: thanh hao 80g, địa liền 40g, cà gai leo 40g, tía tô 40g, kinh giới 80g, kim ngân 80g. Tán bột. Ngày uống 16 - 20g, hãm với 3 - 4 lát gừng tươi hoặc nước sôi.

Bài 5. Bột kinh giới thạch cao: kinh giới 60g, thạch cao 60g, bạc hà 60g, phác tiêu 15g, bạch phàn 30g. Tán bột, Ngày uống 4 - 8g, chia làm 2 lần uống.

Để tăng hiệu quả điều trị, kết hợp day bấm các huyệt: phong trì, hợp cốc, ngoại quan, khúc trì. Nếu nhức đầu thêm huyệt thái dương, bách hội; nếu chảy máu cam thêm nghinh hương.

Lưu ý: Cách ly người bệnh từ 3 - 5 ngày; người tiếp xúc phải đeo khẩu trang. Cho bệnh nhân ngửi dầu gió, nhỏ nước tỏi; súc miệng bằng nước muối hàng ngày.

Day ấn huyệt nghinh hương (trên) và huyệt phong trì (dưới) giúp tăng hiệu quả chữa cảm cúm.

Vị trí huyệt:

Huyệt phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

Huyệt hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Huyệt ngoại quan: Trên lằn chỉ cổ tay 2 tấc, giữa xương quay và xương trụ, ở mặt giữa sau cánh tay.

Huyệt khúc trì: Co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khuỷu.

Huyệt thái dương: Nằm ở thái dương, cuối chân mày.

Huyệt bách hội: Nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu, điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể.

Huyệt nghinh hương: Từ chân cánh mũi ngang ra, huyệt ở trên rãnh mũi mép.

BS. Tiểu Lan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét